Một trong những công việc của tôi là xây dựng và duy trì một đội ngũ kiến trúc sư designer, liên quan nhiều đến tính sáng tạo. Mỗi khi bị ai đó nhận xét hoặc chính bản thân mình tự thấy sản phẩm từ cái team đó design ra thường quá, không có gì là sáng tạo, hoặc sáng tạo không bằng người ta khi đấu thầu thì nó đó … It is my job !
Quá trình làm nghề, tôi thường chia công việc của kiến trúc sư designer ra làm 2 loại. Nôm na là thể loại Vẽ đúng, vẽ đủ và thể loại Vẽ đẹp và khác biệt. Nếu như vẻ đúng, vẽ đủ là công việc của kinh nghiệm, siêng năng và chỉ cần một chút giỏi thì Vẽ đẹp và khác biệt là công việc của tài năng, tài hoa đòi hỏi tính sáng tạo và nhiều yếu tố khác nữa mà tôi, vì lý do công việc của mình, phải thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi, lý luận cho ra để áp dụng vào việc xây dựng cái team nói trên. Theo các bạn thì tính sáng tạo do đâu mà có, nó bẩm sinh ? ok nó bẩm sinh. Nhưng còn do nhiều yếu tố nữa mà tôi lờ mờ nhận ra được sau hơn 20 năm làm nghề.
Lòng tự tôn
Muốn sáng tạo, trước hết bạn phải có lòng tự tôn nhất định, phải tự tin vào năng lực của mình, tin rằng idea của mình là hay ho, là siêu việt (dù rằng thực tế nó cũng chả hay ho, ghê gớm gì đâu hoặc từng có khối người nghĩ ra trước đó rồi). Chính lòng tự tôn này là năng lượng để bạn tiếp tục ra idea và tự hào với cái idea ( đôi khi cùi bắp mía lao của mình). Chính vì vậy (bẻ lái một tý) các bậc cha mẹ muốn phát huy tính sáng tạo của con mình thì khen nó dữ dội vào, mỗi khi nó có phát kiến gì đó. Cứ hở tý ra là chê nó tơi tả thì chắc chắn là sau này lớn lên nó sẽ sợ Đông sợ Tây, làm gì cũng yếm thế, cũng e sợ.
Khả năng nhận sai và lòng can đảm xoá bàn làm lại
Ý tưởng hay là một quá trình làm sai, sửa sai, làm lại. Một vòng lặp vô tận, bất cứ thứ gì cũng chỉ đúng chỉ hay tương đối, sau đó nó có thể được cải tiến hay hơn, hữu dụng hơn, đẹp hơn. Huống chi là chúng ta sáng tạo, chúng ta nghĩ ra một ý tưởng nào đó. Nó chỉ hoàn hảo tại thời điểm đó, hay hơn thì vài năm, vài chục năm rồi sẽ lỗi thời. Nghĩ như vậy để dũng cảm nhận mình sai, mình dở và có can đảm xoá bàn, làm lại từ đầu khi thời gian và điều kiện cho phép. Đặc tính này sẽ chế áp tính tự tôn ở trên, cân bằng lại con người sáng tạo của KTS designer. Hôm nay anh có dương dương tự đắc, ngày mai xem lại nếu thấy còn gì đó chưa đã thì mài tiếp, mài nữa, mài đến deadline thì đành ôm chạy đi nộp. Điều này lý giải phần nào KTS từ lúc đi học cho đến khi đi làm luôn thích làm bạn với thần Sa-rết.
Willpower
Động lực, bạn muốn làm gì đó, niềm thôi thúc sáng tạo vừa tự thân mà có, lại vừa có sự tác động bên ngoài. Có những người luôn sôi sục sự sáng tạo bên trong, họ luôn có một ý tưởng gì đó cần làm, cần áp dụng, cần thực thi, nhưng cũng có những người cả đời chỉ thích yên thân, yên phận với những cái có sẳn. Khẳng định ai đã bước chân theo nghề thiết kế đều thuộc loại thứ nhất, niềm khao khát sáng tạo ra một cái gì đó mới mẻ, thú vị hơn. Tuy vậy theo năm tháng niềm khao khát này dần chững lại và bị tác động bởi nhiều yếu tố. Tiền bạc chẳng hạn, danh vọng ví dụ vậy. Một KTS hay designer nếu lương thấp quá, quyền lợi bèo bọt quá, chắc chắn họ sẽ không còn niềm hứng thú với sáng tạo. Quyền lợi như thế nào là đủ, là cân đối công bằng để nuôi dưỡng sự sángtạo, tôi sẽ bàn đến trong một câu chuyện khác. Bây giờ tôi đi sâu vào niềm yêu thích sáng tạo bên trong bất vụ lợi. Niềm thôi thúc, muốn sáng tạo, muốn vẽ một cái gì đó bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan bao gồm sức khoẻ, nội tiết tố chẳng hạn, bạn không thể, không muốn sáng tạo ra cái gì nếu không có một sức khoẻ thể chất và tinh thần sung mãn, nôm na là cơ thể bạn không chịu tiết ra đủ hoocmon để bạn sung lên mà ra idea bền bỉ hàng tuần, hàng tháng. Nói đến đây tôi quên đề cập đến một vấn đề quan trọng là cái team KTS designer tôi nói ở trên, họ phải ra idea nhiều và nhanh, không có chuyện thai nghén ý tưởng lâu đâu. Thời buổi cạnh tranh, thị trường méo mó mà, đâu có thời gian mà suy tưởng, chiêm nghiệm cho lâu. Ấy là tôi muốn nói đến tần suất ra ý tưởng nó tác động khá lớn đến willpower, niềm thôi thúc sáng tạo. Nếu sếp bạn buộc bạn phải ra ý tưởng thường xuyên quá, ngày này qua tháng nọ, không sớm thì muộn nó sẽ làm bạn chai sạn đi cảm hứng. Không muốn tha thiết với chuyện thiết kế nữa, đó là thực tế. Nếu như việc thôi thúc ra một cái output nào đó cho ra hồn ra vía liên quan đến tần suất thì input đầu vào để ra mớ ý tưởng đó cũng cần phải được quan tâm và bồi dưỡng thường xuyên. Input bao gồm việc đọc sách chuyên môn và liên quan, đi du lịch, giành thời gian chiêm nghiệm và suy tư. Sáng tạo là quá trình “siêu copy”, bạn hấp thu, kế thừa và phát huy, tinh chỉnh những idea có từ trước, nâng nó lên một tầm cao mới. Nếu không có lượng input phong phú dồi dào thì không thể có output xuất chúng. Khi mà bạn có một lượng input nhiều đủ thì tự dưng bạn sẽ có một niềm thôi thúc sáng tạo, vẽ ra một cái gì đó, làm một cái gì đó. Đúng lúc đó nếu có ai đặt hàng thì quả là gãi đúng chổ ngứa, buồn ngủ gặp chiếu manh. Nhưng đó chỉ là dân nghiệp dư thôi, dân sáng tác pro thì họ biết cách charge input cho mình lúc nào cũng đầy, gặp thời điểm thích hợp là tuôn ra ào ạt.
Phân loại sáng tạo
Để có được lòng tự tôn, nền tảng của sự tự tin, tin vào năng lực bản thân để sáng tạo hơn cũng như để chấp nhận thực tại chúng ta cần nhìn rõ nhiều loại sáng tạo. Bản chất của loài người là sáng tạo và tiến hoá, từ xưa loài người đã miệt mài sáng tạo, sáng chế, cải tiến để có được xã hội như bây giờ. Những công việc giản đơn nhất cũng có thể sáng tạo qua từng nhát chổi, hay quét từng lớp, hay quét bao vây, tất cả công việc đều đòi hỏi sự sáng tạo, cải tiến để phát triển. Ở đây tôi khu biệt lĩnh vực sáng tạo trong công việc thiết kế kiến trúc hay nội thất. Cần phải hiểu rõ cùng làm nghề thiết kế nhưng có người rất giỏi khi đối tượng làm việc của họ là phải tìm tòi sáng tạo ra một dây chuyền công năng, đan xen phức tạp, hay tạo ra nhiều góc nhìn thú vị, những không gian sống hay làm việc giàu cảm xúc, cũng có người rất sáng chói khi vẽ ra khu vực tiếp tân đẹp nổi bật, hay cho ra một idea trang trí một mảng tường phòng họp rất bắt mắt. Thật bất công và thiếu hiểu biết khi chê người thiết kế đề cập trước là nghèo nàn sự sáng tạo, là chết ý, là dở tệ. Nhưng dưới góc độ kinh doanh thì rõ ràng họ không thích hợp, thế thì cứ đơn giản là họ không hợp chứ không phải họ dở. Đấy khi lý luận được như vậy thì sẽ kích thích được sự sáng tạo của những người làm công việc sáng tạo, và người sáng tạo kiến trúc nội thất cũng sẽ thấy công bằng hơn, vui hơn, sung sức hơn vì mình giỏi mà, chẳng qua đây không phải lĩnh vực của mình. Tôi tin là KTS designer nào cũng có điểm sáng chói của họ, sếp giỏi là kích đúng nó sẽ bùng lên, chê giỏi thì chỉ có đè chết họ thôi.
Kinh nghiệm thực tế
Kinh nghiệm thực tế là con do 2 lưỡi, nó vừa là lối mòn tư duy, lạu vừa là nền tảng mạnh để KTS designer hun đúc, trui rèn ra những ý tưởng vĩ đại và thực tế. Càng biết nhiều, càng hạn chế không dám đưa ra những ý tưởng vượt trội. Tuy nhiên ít kinh nghiệm lại đưa ra những ý tường ngớ ngẩn. Nghệ thuật ở chổ kết hợp nhuần nhuyễn, phối hợp nhịp nhàng sâu ở cấp độ trí não khi làm công tác sang tác, phải biết phân công đôi khi cho anh Kinh nghiệm đi chổ khác chơi để anh Ít kinh nghiệm mặc lòng tung tẩy, xong kêu anh Kinh nghiệm về xiềng lại, nắn lại. Đó cũng là một cách.
Sự tự chủ trong công việc
Sự tự chủ cấp năng lượng và động lực rất lớn cho việc sáng tạo. Không có việc gì đáng sợ bằng cách khách hàng soi mói vô từng ly từng tý một sáng tác của KTS designer . Chuyện này cũng có 2 mặt , KTS designer phải biết rõ mình sáng tác, thiết kế là để phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng (không phải cho mình). Hơn ai hết khách hàng biết lực của mình thế nào, mình thích cái gì, mình sinh hoạt thế nào (khổ nhất là gặp khách hàng không biết mình muốn gì kiểu như Chị thích nhà chị đơn giản, đơn giản thôi nhưng lại đưa ra một cái ví dụ cổ điển Louis đời thứ 16) cho nên KTS giỏi là phải phỏng vấn và bám sát nhu cầu của khách hàng, giúp họ thăng hoa hơn trên nền tảng của chính họ.
Để có được tự chủ trong sáng tạo, sáng tác đòi hỏi người kts designer phải có trình độ tổng hợp khá, hiểu biết kinh tế, phải có vốn sống thực tế, không những hiểu biết về kết cấu, MEP mà còn phải am hiểu phần nào tâm lý, và có sự cảm thông với băn khoăn của khách hàng. Hiểu biết chừng ấy sẽ hổ trợ rất lớn cho việc thiết kế sáng tạo nhưng nó cũng tạo ra sức ì đáng kể.