Ở tầm cao và sâu sắc hơn thì trải nghiệm thực tế sử dụng của người kiến trúc sư làm nên sự khác biệt lớn trong thiết kế của mình, nó phân tầng chất lượng thiết kế của công trình. làm người kiến trúc sư này khác biệt với người kiến trúc sư khác. Cũng có những trường hợp lần đầu tiên thiết kế loại hình kiến trúc chưa từng làm nhưng lập tức thành công. Đó là do sự phối hợp team work với người chủ trì lãnh đạo phần hồn, phần cốt lõi của công trình, những phần “quen” do các cộng sự lão luyện đảm nhận và bổ sung. Tôi sẽ nói đến yếu tố này trong một dịp khác. Ở đây gói gọn trong phạm vi thiết kế nhà ở cho gần gũi dễ hình dung.
Khuyết điểm lớn nhất, phổ biến nhất hầu như tất cả kiến trúc sư gặp phải là quá chú trọng vào thị giác, chăm chăm đi “chiều” giác quan “thấy” mà bỏ qua vô tình hay cố ý các giác quan còn lại. Một phần cũng do khách hàng, họ chỉ đánh giá chất lượng thiết kế qua các bản vẽ 3D được rende kỹ càng chi tiết, ngày càng lộng lẫy hơn, đôi khi đẹp hơn cả thực tế. Đừng tưởng chuyện nhỏ, góc nhìn này rất mạnh, nó mạnh đến nỗi ảnh hưởng đến các thầy cô trong các cơ sở đào tạo, và được mỹ miều, ngụy biện hóa là
– Ừ, thì ra đời phải hấp dẫn chủ đầu tư trước nhất bằng phối cảnh, phối cảnh xấu là rớt ngay từ đầu, lấy đâu cơ hội đi tiếp mà thể nội dung siêu đẳng bên trong
Không những phối cảnh render, các kiến trúc nổi tiếng còn đẩy lên một tầm cao mới “chiều chuộng thị giác” bằng các ảnh chụp thực tế công trình đã làm xong như một tác phẩm chỉ để ngắm. Họ dẹp hết vật dụng linh tinh làm xấu, làm bừa đi khung hình như cặp sách, áo khóa, đồ chơi…v…v…những vật dụng tuy linh tinh nhưng sẽ luôn xuất hiện trong thực tế sử dụng, và khung hình chỉ còn lại cái nhà, một không gian trống với nắng và gió. Rất đẹp rất cảm xúc, rất định hướng, tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện khơi gơi cảm xúc này, nhưng nên nhớ là nó chỉ đang tác động đến thị giác. Thiết kế ở tầm sâu, còn nhiều giác quan khác nữa cần phải lưu tâm và cân bằng nó, chưa kể thực tế sử dụng còn nhiều yếu tố khác cần phải dự trù trước cho người sử dụng trong thực tế cuộc sống bận rộn của họ.
Để bồi dưỡng “thị giác” các kiến trúc sư chăm xem sách, đọc tài liệu, xem video sau đó bắt chước vô thức hay có ý thức trong các tác phẩm thiết kế của mình. Tôi cũng vậy, gọi mỹ miều là tham khảo ấy. Sáng tạo là quá trình Học hỏi – Kế thừa – Phát huy mà. Đâu có ai tự mình nghĩ ra tất cả, lớp sau phải biết học hỏi, cải tiến cải thiện sáng tạo, sáng tác của lớp trước. Ở đây tôi muốn nói đến Đọc sách, xem hình chỉ giải quyết chủ yếu được việc bồi dưỡng Thị giác. Những giác quan khác cần phải được bồi dưỡng bằng thực tế trãi nghiệm.
Tôi không nói đến phải đi Đông đi Tây, tham quan các công trình trên khắp thế giới. Nó rất cần đó, ai có đủ điều kiện thời gian, chi phí hoạch định cuộc đời thì đi. Ở đây tôi nói đến việc thiết kế nhà ở thôi cho nó gần gũi. Nếu người kiến trúc sư thiết kế từng sống ít nhất một năm, trải qua đủ các mùa trong một không gian tương tự như họ sẽ thiết kế thì chắc chắc thiết kế của họ sẽ sâu sắc, nếu họ sinh hoạt tương tư như người trong nhà đó thì thiết kế của họ chắc chắn sẽ insightful hơn nhiều. Đó chính là trải nghiệm thực tế, vốn sống làm nên sự khác biệt. Đó là tôi chưa nói đến những chiều thiết kế khác như độ tuổi (còn trẻ khỏe thì dễ quên tâm lý người già yếu bệnh hoăc chỉ biết lý thuyết sơ sơ), lối sống (thảnh thơi thì làm sao biết người bận rộn)…v…v…
Tôi thường cho nhân viên đi nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao sang trọng cũng không ngoài mục đích này. Mấy em kiến trúc sư còn trẻ, ở nhà thuê mà toàn thiết kế công trình sang trọng thì thiết kế kiểu gì, chỉ nhìn sách thiết kế chứ có xài qua đâu mà biết, mà cảm nhận. Người bản chất ham thích thiết kế đi đến đâu khác lạ, họ thường tìm cách cảm nhận không gian hết mức có thể, hấp thu nó để phát tiết lại sau này dưới một hình thức khác.
Sự trải nghiệm không gian sâu sắc, đây chính là điểm khác biệt lớn giữa các kiến trúc sư. Nếu người kiến trúc sư chưa có dịp trải nghiệm không gian nào đó thì họ phải biết cách “mượn” trải nghiệm của người khác, gần gũi nhất là chủ đầu tư.
Bonus – Nghĩ như thế để tôn trọng chủ đầu tư, ngược lại chủ đầu tư tuy có nhiều trải nghiệm với không gian quen thuộc của mình nhưng thiếu kiến thức nghê nghiệp, tố chất sáng tạo, nên sẽ không tạo được không gian mình mong muốn. Ví dụ như kiến trúc sư chưa từng đến khách sạn 7 sao, chỉ biết nó sang trọng thế nào qua video, sách vở, nếu có yêu cầu thiết kế một phòng ngủ 7 sao cho một đại gia từng ở nhiều nơi sang trọng 7 sao thì 2 bên phải biết tôn trọng và phối hợp với nhau.