Khoảng 15 năm về trước, khi mới làm nghề thiết kế được đâu đó khoảng 5 năm, kinh nghiệm thực tế về thi công cũng kha khá, có lần ông anh làm nghề xây dựng mượn tôi vẽ concept, ra ý tưởng cho một tòa nhà văn phòng, nhỏ thôi, gồm 1 bán hầm, 5 tầng, diện tích lô đất 7m x 20m, ở mặt tiền một con đường rộng. Tuy nhỏ nhưng yêu cầu là ” Em vẽ sao cho nó khác khác một chút, lạ lạ tý “. Anh đó có công ty xây dựng với đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư nhưng chuyên thi công, mạnh về thi công nên khi cần cái gì lạ lùng, bay bổng tý thì hay kêu tôi và vài kiến trúc sư khác, và cũng chỉ nhờ ý tưởng, concept thôi. Một phần ổng keo, thế cho nó ít tiền, một phần sau đó tự kêu lính bản bộ của mình phát triển ý tưởng lên và (phần tôi ghét nhất) là có thể mặc sức bẻ tới bẻ lui ý tưởng ban đầu “siêu đẳng” của tôi. Nhiều lần tức điên khi ổng bẻ ngay cái phần tôi tâm đắc nhất.
Nhắc chuyện xưa hơi lạc đề. Quay lại. Lần đó tôi biết ổng đã nhờ một kiến trúc sư tôi quen, khả năng vẽ phối cảnh rất nhanh và đẹp, ý tưởng cũng rất tốt, nhưng sao lại alo kiếm tôi chi ? Cũng chả giận dỗi gì vì mình freelancer mà, nhiều khi người ta cần gấp mình không có thời gian làm thì họ nhờ người khác thôi, nhưng tôi vẫn hỏi :
– Ủa, sao anh không nhờ X, dạo này thấy anh hay nhờ nó lắm mà.
-Nó vẽ đẹp, nhanh nhưng lụi quá em ơi. Anh gấp, đem xây luôn, dính mấy cú, mệt quá – Ổng ngần ngừ chút rồi trả lời.
Tại thời điểm đó, thú thật tôi khá là khoái chí, hả hê, thầm nghĩ – Thấy chưa ! vẽ xạo cho cố, lụi cho nhiều vô đi, cho bắt mắt đi, rồi lên thi công lủng tè le.
– Ừ em ! nó vẽ đẹp quá, màu mè, khối dáng, cây cỏ rất bắt mắt. Thường đưa khách xem là họ bị hớp hồn, ký hợp đồng ngay – Ông anh xây dựng cũng đồng ý.
Trãi qua nhiều năm làm nghề, với nhiều cung bậc cuộc sống, tư duy thay đổi qua năm tháng. Tôi dần nhận ra Vẽ lụi cho đẹp bị lên án, bị cho là xạo, gây tác hại cho thi công nhưng nó có tác dụng rất to lớn và rất hữu ích nếu biết cách sử dụng. Thời buổi BIM này, chắc là nhiều bạn trẻ mới vào nghề sẽ nhao nhao lên phản đối đây. Từ từ, để giải thích.
Thử đọc đoạn văn bóng bẩy trau chuốt dưới đây.
When designing IncepTech’s Space Garden, the objective was to create an atmosphere that encourages employees to accomplish anything without boundaries. Success usually derives from bold thinking, readiness, and having faith in ourselves. An inspiring space, where imagination flows free and minds are empowered to open wide by being able to stare in a distance, might stimulate one to recover these traits. Overall, we were aiming to combine the futuristic with the natural.
Các bạn thấy sao ? Tóm lại nó nói cái gì, nội dung truyền tải là gì ? À, thì ra để tạo ra một không gian như mô tả, thật ra cũng bình thường với dân thiết kế thôi mà, phải không ? Nhưng tại sao lại phải dùng một giọng văn đầy chất thơ, gợi mở, kích thích trí tưởng tượng như thế.
Chắc các bạn đã từng gặp trường hợp đọc truyện, ví dụ “Tây du ký” đi (truyện idol một thời thơ ấu của tôi, phải nói là ghiền. Thập niên 80, truyện này gần như bị cấm, chính quyền xem là văn hoá độc hại, bị hạn chế, phải lùng sục tiệm sách cũ mới có). Sau này Trung quốc làm phim thì bị nhiều người, rất nhiều người chê, phim gì làm dở ẹc, không hay. Hay ví dụ khác hiện đại hơn, Harry Porter, nhiều người đọc sách xong, xem phim cũng chê tơi tả. Thế thì vấn đề muốn nói ở đây là gì ?
Lời văn, câu chữ kết hợp với trí tưởng tượng của chúng ta luôn luôn hay hơn hẳn Phim ảnh. Đọc truyện, hình dung bối cảnh, câu chuyện của mỗi cá nhân luôn vô cùng ảo diệu và rất riêng, nó khác biệt và bao la vô cùng, không nhà làm phim, đạo diễn nào có thể bì kịp. Chính các nhà đạo diễn cũng đọc truyện, thẩm thấu nó, rồi nương tựa vào trí tưởng tượng siêu việt của mình mà hình dung, cụ thể hóa thành những thước phim cho khán giả xem. Và mỗi đạo diễn có cái nhìn tưởng tượng độc đáo riêng, chính vì vậy có nhiều phiên bản phim, nhiều cách xử lý dựa trên từng thời đại, từng góc nhìn. Đến đây chắc các bạn hình dung được vai trò cực ký quan trọng, không thể thay thế được của các dòng chữ. Các nhà văn, với năng lực câu chữ của mình, sẽ khêu gợi trí tưởng tượng của người đọc, làm thăng hoa bay bổng hình thành nên một tác phẩm ” điện ảnh” trong tư tưởng của người đọc. Tác phẩm đó hay nhất, đặc biệt nhất và hợp thời nhất. Nói cách khác, những câu chữ đó là suối nguồn cảm hứng, định hướng cho một tác phẩm cụ thể sản sinh. Tác phẩm có thể xưa cũ, lỗi thời nhưng suối nguồn cảm hứng thì không, nó tồn tại mãi và biến hình cho phù hợp với thời đại mới. Cho nên đừng xem nhẹ vai trò của những nhà văn nhé. Những áng văn chương đó là tuy mơ hồ, không cụ thể, nhưng nó thực sự rất quan trọng là gốc rễ của mọi sáng tạo, nó nuôi dưỡng và kích thích trí tưởng tượng của chúng ta.
Quay lại những bản vẽ idea, ý tưởng mơ hồ, đôi khi lụi thấy ớn, chúng ta cần nhìn vào mặt tích cực của nó, vai trò của nó là gì ? Những bản vẽ ý tưởng đó chính là định hướng ban đầu quan trọng cho các bản vẽ ở giai đoạn sau. Đôi khi trong quá trình phát triển ý tưởng, có va vấp về diện tích, công năng, kỹ thuật và nhiều trở ngại khác dẫn đến phải thay đổi ý tưởng ban đầu nhưng nó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho chúng ta bám vào trong quá trình khai phá. Nếu phải đấu đá, thi thố cạnh tranh thì vai trò “ra ý tưởng” càng quan trọng. Người lãnh đạo cần phải thấy rõ và nhận định đúng vai trò của người ra ý tưởng. Từ đó tận dụng, sử dụng họ đúng lúc, đúng nơi và đúng chổ. Nếu bạn là sếp một công ty thiết kế xây dựng có 3 bộ phận nền tảng.
- Ra ý tưởng
- Triển khai ý tưởng
- Thực thị
Nếu như 2 bộ phận sau là dễ xây dựng nhất, chỉ cần có tiền và siêng, thì bộ phận “Ra ý tưởng” luôn là bộ phận khó nhằn nhất, xây lên cũng khó mà duy trì phong độ cho nó còn khó hơn. Nó khá là mơ hồ, chính vì nó mơ hồ nên nhiều người lại thấy phí tiền chi cho nó. Nói nào ngay, phí thiệt, nhất là khi công ty bạn không cần đến nó, hoặc không biết cách dùng nó.